Đặc điểm của giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài vụ việc

Có thể định nghĩa rằng, trọng tài vụ việc là phương thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên và trọng tài vụ việc sẽ tự chấm dứt tồn tại khi giải quyết xong vụ tranh chấp. Đây là hình thức trọng tài xuất hiện sớm nhất và được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới.

           

Từ định nghĩa trên, ta có thể rút ra được một số đặc điểm của trọng tài vụ việc như sau:

           

- Thứ nhất, trọng tài vụ việc chỉ được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động (tự giải thể) khi giải quyết xong tranh chấp.

           

- Thứ hai, trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành và không có danh sách trọng tài viên riêng. Trọng tài viên được các bên chọn hoặc chỉ định có thể là người có tên hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất cứ trung tâm trọng tài nào.

           

- Thứ ba, trọng tài vụ việc không có quy tắc tố tụng dành riêng cho mình, mà quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp phải được các bên thỏa thuận xây dựng. Thông thường, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn bất kỳ một quy tắc tố tụng phổ biến nào, thường là quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài có uy tín trong nước và ngoài quốc tế.

           

- Thứ tư, đây là hình thức tổ chức đơn giản, khá linh hoạt, mềm dẻo về phương thức hoạt động nên nói chung phù hợp với những tranh chấp ít tình tiết phức tạp, có nhu cầu giải quyết nhanh chóng và các bên tranh chấp có kiến thức và hiểu biết về pháp luật, cũng như kinh nghiệm tố tụng. Trên thực tế, số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài ad-hoc không nhiều. 

 

Trần Châu Hoài Hận – Apolat Legal